Đơn hàng dệt may từ Bangladesh khó sang Việt Nam


Nhiều công ty dệt may Bangladesh phải tạm đóng cửa nhà máy do vấn đề an toàn lao động có thể khiến doanh nghiệp nước ngoài chuyển đơn hàng may mặc sang các nước khác, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, các công ty trong nước dự báo rằng sự dịch chuyển đơn hàng đến Việt Nam có thể không diễn ra mạnh mẽ.

Anysew.vn_Đơn hàng dệt may từ Bangladesh khó sang Việt Nam

Mức lương tối thiểu tại Việt Nam hiện khoảng 100 đô la Mỹ/tháng, nhưng tại Bangladesh là 38 đô la Mỹ/tháng - mức thấp nhất thế giới. Ảnh minh hoạ: Thu Nguyệt

 Ông Nguyễn Hữu Toàn, Phó tổng giám đốc Công ty May Sài Gòn 2, hôm 15-5 cho biết vụ sập toà nhà 9 tầng mới đây tại Bangladesh làm thiệt mạng rất nhiều công nhân khiến chính phủ nước này tạm đóng cửa hàng trăm nhà máy may, có thể có tác động đến việc đơn hàng chuyến đến Việt Nam trong thời gian tới.

Tuy nhiên, ông Toàn cho rằng tác động này không nhiều vì hiện Bangladesh là nước có mức giá gia công hàng may mặc khá cạnh tranh, thấp hơn giá của Việt Nam 2-3 lần. Chẳng hạn, với một số sản phẩm may mặc, giá gia công tại Việt Nam là 6 đô la/sản phẩm, nhưng khách hàng nước ngoài cho biết giá tại Bangladesh chỉ khoảng 2,5 đô/sản phẩm do giá nhân công tại Bangladesh rất thấp.

Ông Toàn cho biết thêm, khi khách hàng chọn Bangladesh là họ chọn phân khúc thấp vì giá cả đi đôi chất lượng. Do đó, khó có thể có sự dịch chuyển lớn các đơn hàng từ Bangladesh sang Việt Nam, mà có thể sang có nước có giá gia công cạnh tranh hơn, như Campuchia, hoặc chuyển qua những vùng khác của Bangladesh.

Theo ông Nguyễn Ân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất Thương mại May Sài Gòn (Garmex Saigon), không phải sau vụ việc sập toà nhà 9 tầng mới đây, mà từ trước đó, những rủi ro tiềm tàng liên quan đến an toàn lao động và bất ổn về chính trị tại Bangladesh đã khiến một số doanh nghiệp nước ngoài tìm nguồn hàng may mặc tại các nước khác, trong đó có Việt Nam.

Từ đầu năm nay, có doanh nghiệp Canada từng đầu tư tại Bangladesh đã qua làm việc với Garmex Saigon, nhưng vẫn chưa thoả thuận được giá, vì mức giá doanh nghiệp này đưa ra không bằng giá các đơn hàng công ty thực hiện cho các công ty Mỹ, châu Âu.

Theo ông Ân, Bangladesh hiện là nước sản xuất hàng may mặc cạnh tranh nhất thế giới do nhân công giá rẻ, và nhiều nước áp dụng thuế suất 0% đối với hàng may mặc nhập khẩu từ Bangladesh. Tại thị trường Mỹ, Việt Nam là nước xuất khẩu lớn thứ hai hàng may mặc, sau Trung Quốc, trước Ấn Độ, và Bangladesh.

Theo số liệu của Văn phòng dệt may (Office of Textiles and Apparel - OTEXA) thuộc Bộ Thương mại Mỹ, tính đến tháng 11-2012, Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ hàng dệt may với tổng giá trị 37,6 tỉ đô la Mỹ, tiếp đến là Việt Nam (7 tỉ đô la Mỹ), Ấn Độ (5,4 tỉ đô la Mỹ), và Bangladesh (4,3 tỉ đô la Mỹ).

Tại thị trường Liên minh châu Âu (EU), Việt Nam là nước xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ bảy vào thị trường này, sau Trung Quốc, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Tunisia, và Morocco.

Phản ứng của các nhà bán lẻ phương Tây

Theo bản tin ngày 15-5 của hãng tin BBC, sau vụ việc hơn 1.100 người chết trong vụ sập toà nhà 9 tầng tại Bangladesh vào ngày 24-4, hàng chục công ty châu Âu, trong đó có công ty quần áo giá rẻ Primark và chuỗi siêu thị Tesco của Anh, đã ký một hiệp ước có tính chất ràng buộc về pháp luật nhằm cải thiện độ an toàn toà nhà và hoả hoạn tại Bangladesh.

Tuy nhiên, tập đoàn bán lẻ Wal-Mart (Mỹ) cùng với một số nhà bán lẻ khác của Mỹ cho biết sẽ không tham gia hiệp ước này. Wal-Mart cho biết sẽ tự tiến hành thanh tra tại 279 nhà máy của Walmart để có kết quả nhanh hơn.

Các động thái này diễn ra sau khi các công ty phương Tây bị lên án vì đã hành động không đủ để bảo vệ các công nhân bị trả lương thấp tại Bangladesh sau một loạt vụ việc liên quan đến an toàn lao động tại đây, trong đó có vụ cháy nhà máy vào tháng 11 năm ngoái.

Vào ngày 13-5, Chính phủ Bangladesh thông báo thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện tình trạng lao động tại nước này, như tăng lương tối thiểu cho công nhân ngành may mặc và tạo điều kiện cho việc thành lập công đoàn. Đây được xem là động thái nhằm trấn an các khách hàng phương Tây vì may mặc đang chiếm đến 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của Bangladesh.

Mức lương tối thiểu của công nhân may tại Bangladesh hiện là 38 đô la/tháng - đây là mức lương tối thiểu thấp nhất thế giới.

                                                                                                         Theo thesaigontimes.vn

Tin liên quan

      Dịch vụ xử lý co rút vải  (Ngày đăng: 04/10/2022)
      ESY Hàng Nhái Nhãn Hiệu Máy May ESSY  (Ngày đăng: 01/11/2019)
      Máy Xử Lý Chống Co Và Định Hình Vải  (Ngày đăng: 08/12/2017)
      Tiệc tất niên tiễn năm cũ 2016 đón năm mới 2017  (Ngày đăng: 23/01/2017)
      Hội chợ quốc tế ngành may _ Gian hàng 1F-13 công ty cổ phần đầu tư An Phương đã chính thức.  (Ngày đăng: 02/11/2016)
      Khai trương Showroom máy may ESSY tại Hải Dương  (Ngày đăng: 27/10/2016)
      Ngày 9/09/2016 và 10/09/2016 Công ty Cổ phần đầu tư An Phương khai trương chi nhánh Hải dương, tại số 29 đường An Định- khu 21- phường Nhị Châu- Thành Phố Hải Dương.  (Ngày đăng: 08/09/2016)
      Doanh nghiệp dệt may đang vật lộn với thị trường  (Ngày đăng: 27/07/2016)
      Doanh nghiệp dệt may khó tìm đơn hàng mới  (Ngày đăng: 13/07/2016)
      Chương trình khuyến mại đèn Led các loại từ ngày 11/07-10/08/2016. Tại Công Ty Cổ Phần Đầu Tư An Phương  (Ngày đăng: 09/07/2016)