Sớm có quy hoạch mới cho ngành dệt may


Qua 5 năm thực hiện quy hoạch (QH) phát triển, dệt may Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực, song cũng đang bộc lộ không ít hạn chế, đòi hỏi cần sớm có QH mới để đáp ứng nhu cầu hội nhập sâu rộng.


Đó là ý kiến chung của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp khi đề cập đến QH phát triển ngành công nghiệp (CN) dệt may Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.


Anysew.vnSớm có quy hoạch mới cho ngành dệt may

Các cơ sở sản xuất dệt may sẽ được chuyển dịch về vùng nông thôn để đảm bảo “ly nông bất ly hương”. Trong ảnh: Xưởng may của Công ty CP May 10.Ảnh: Thùy Linh

Có sự kế thừa khi điều chỉnh

Theo đại diện Viện Dệt may, QH phát triển CN dệt may Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến 2020 được Bộ Công Thương phê duyệt từ năm 2008. Tuy nhiên, dự báo trong một vài năm tới, tình hình KT - XH vẫn bị ảnh hưởng từ kinh tế thế giới vốn mới bắt đầu phục hồi sau khủng hoảng. Trong vài năm qua, CN dệt may thế giới có xu hướng chuyển dịch nhanh đến những quốc gia đang có lợi thế về nguồn nhân lực, giá nhân công thấp. Trong khi đó, ngành CN dệt may Việt Nam đã đạt được một số thành tựu đáng kể và được dự báo vẫn có lợi thế để phát triển trong 10 năm tới. Phát triển CN dệt may đã thu hút được một lực lượng lớn lao động, góp phần ổn định an sinh xã hội. Chính phủ đã, đang và sẽ đàm phán để ký các hiệp định thương mại mang lại nhiều thuận lợi cho ngành này.

Mặc dù phát triển nhanh và mạnh về số lượng DN, song hạn chế nổi bật nhất của dệt may trong nước hiện này chính là phải nhập khẩu hầu hết nguyên phụ liệu, máy móc phụ tùng, hóa chất, thuốc nhuộm… Bên cạnh đó, liên kết trong chuỗi cung ứng yếu, sản xuất mô hình gia công chiếm tỷ lệ cao với giá trị gia tăng thấp, thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và kinh nghiệm về quản lý và marketing…

Chiều 4/6, trao đổi bên lề Hội thảo "Góp ý kiến về Dự thảo QH phát triển ngành công nghiệp (CN) dệt may Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030" do Bộ Công Thương tổ chức, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho rằng, với đóng góp trên 8% GDP/năm, dẫn đầu về XK (trong đó năm 2012 đã đạt kim ngạch trên 17 tỷ USD), từ chỗ không có tên trên "bản đồ" dệt may toàn cầu, đến nay đã lọt vào top 5 của dệt may thế giới, đặc biệt đóng góp không nhỏ cho việc đảm bảo an sinh xã hội,… ngành dệt may Việt Nam đòi hỏi cần sớm có QH mới. "Tuy nhiên, song song với tiếp thu và kế thừa QH cũ, QH dệt may mới cần có sự điều chỉnh để phù hợp hơn với thực tế. Trong đó, đáng lưu ý, hiện lao động dệt may phần lớn từ nông thôn chuyển dịch ra thành thị, trong khi thu nhập của người lao động còn thấp, không đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt. Vì thế, QH mới cần xác định có sự chuyển dịch lao động ngược lại - từ thành thị về nông thôn. Tức là ngành sẽ đầu tư mạnh hơn tại vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, đưa các nhà máy về đó… để "ly nông bất ly hương", tạo thuận lợi hơn cho người dân nông thôn" - bà Thoa nhấn mạnh.

Hướng tới tăng trưởng nhanh, bền vững

Mục tiêu xây dựng QH mới là nhằm xây dựng ngành dệt may trở thành ngành CN trọng điểm, mũi nhọn về XK và có thể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước ngày càng cao; tạo nhiều việc làm, nâng cao khả năng cạnh tranh và hội nhập vững chắc. Đặc biệt, đến năm 2020, ngành phấn đấu xây dựng được một số thương hiệu nổi tiếng, hội nhập với thị trường thế giới. Theo dự thảo QH, ngành đạt kim ngạch XK 31 - 32 tỷ USD vào năm 2020 và nâng lên 60 - 65 tỷ USD năm 2030, tương ứng nội địa hóa đạt 60% và 80%. Các mặt hàng chủ lực sẽ là nguyên liệu bông, xơ sợi tổng hợp, sợi các loại, vải dệt thoi, vải dệt kim, sản phẩm kỹ thuật, sản phẩm may mặc.

Các chuyên gia đề xuất, để thực hiện mục tiêu này, ngành dệt may cần tập trung vào các nhóm giải pháp như: Thị trường và xây dựng thương hiệu sản phẩm; đầu tư, quản lý ngành; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; thiết kế mẫu; phát triển CN hỗ trợ; phát triển nguồn nhân lực và tài chính. Trong đó đáng chú ý, mở rộng thị trường XK được xác định là khâu đột phá trong phát triển hàng dệt may, một nhân tố quyết định sự tăng trưởng của ngành.
 

Dự thảo QH phát triển ngành CN dệt may Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 không khuyến khích phát triển cơ sở sản xuất dệt may tại 2 TP là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Thay vào đó, tại đây sẽ là các trung tâm thời trang về thiết kế, cung ứng nguyên phụ liệu và thương mại.

                                                                                                         Theo ktdt.com.vn








































 

Tin liên quan

      Dịch vụ xử lý co rút vải  (Ngày đăng: 04/10/2022)
      ESY Hàng Nhái Nhãn Hiệu Máy May ESSY  (Ngày đăng: 01/11/2019)
      Máy Xử Lý Chống Co Và Định Hình Vải  (Ngày đăng: 08/12/2017)
      Tiệc tất niên tiễn năm cũ 2016 đón năm mới 2017  (Ngày đăng: 23/01/2017)
      Hội chợ quốc tế ngành may _ Gian hàng 1F-13 công ty cổ phần đầu tư An Phương đã chính thức.  (Ngày đăng: 02/11/2016)
      Khai trương Showroom máy may ESSY tại Hải Dương  (Ngày đăng: 27/10/2016)
      Ngày 9/09/2016 và 10/09/2016 Công ty Cổ phần đầu tư An Phương khai trương chi nhánh Hải dương, tại số 29 đường An Định- khu 21- phường Nhị Châu- Thành Phố Hải Dương.  (Ngày đăng: 08/09/2016)
      Doanh nghiệp dệt may đang vật lộn với thị trường  (Ngày đăng: 27/07/2016)
      Doanh nghiệp dệt may khó tìm đơn hàng mới  (Ngày đăng: 13/07/2016)
      Chương trình khuyến mại đèn Led các loại từ ngày 11/07-10/08/2016. Tại Công Ty Cổ Phần Đầu Tư An Phương  (Ngày đăng: 09/07/2016)