Ngành dệt may cần thêm 6 triệu lao động


Các vòng đàm phán về Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang đến hồi kết. Theo hiệp định này, 95 dòng sản phẩm dệt may Việt Nam hiện đang xuất khẩu vào thị trường Mỹ (chiếm 55% sản lượng của ngành này) sẽ được hưởng thuế suất 0%.

Anysew.vn_Ngành dệt may cần thêm 6 triệu lao động

Trước ngưỡng cửa Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP):

Ngành dệt may sẽ hưởng lợi lớn từ TPP

TPP là hiệp định đa phương giữa 12 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Với quy mô như vậy, TPP là hiệp định tự do thương mại đa phương bao trùm các lĩnh vực thuế, tài chính, đầu tư, môi trường, lao động, chống tham nhũng,... rộng lớn nhất hiện nay, chiếm tới 40% GDP và 1/3 tổng giá trị thương mại toàn cầu.

Việt Nam đang ở vị trí rất tốt để tận dụng lợi thế TPP. Theo Giáo sư Peter Petri - Hiệu trưởng Đại học Kinh doanh Brandeis - việc tham gia TPP có thể làm cho GDP của Việt Nam tăng thêm 35,7 tỉ USD (tương đương 10,5% GDP) vào năm 2025, xuất khẩu của Việt Nam cũng sẽ tăng thêm 67,9 tỷ USD (tương đương 28,4%) lên thành 307 tỉ USD. Mức tăng lớn nhất là hàng dệt may và da giày, từ 113 tỉ USD lên 165 tỷ USD, tăng 45,9%.

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam - hiện xuất khẩu hàng dệt may ở Việt Nam đã tăng trưởng vượt bậc. Năm 2012, tổng xuất khẩu dệt may cả nước đạt trên 17 tỉ USD, trong đó Mỹ là thị trường đang chiếm trên 50% tổng kim ngạch giá trị xuất khẩu của hàng dệt may Việt Nam, tiếp theo là EU 15%, Nhật Bản 12% và Hàn Quốc là 6%.

Riêng 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam đạt gần 9 tỉ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lượng hàng xuất khẩu vào Mỹ lớn nhất, đạt gần 4 tỷ USD. Những tín hiệu tăng trưởng khả quan này đã khẳng định vị thế cạnh tranh của hàng hóa dệt may Việt Nam trên thị trường thế giới.

Thuế suất trung bình hiện nay của hàng dệt may nước ta vào Mỹ là 17,5% và EU là 9,6%. Vì vậy việc khởi động đàm phán Hiệp định TPP đang mở ra cơ hội rất lớn cho dệt may Việt Nam, bởi các bên tham gia đàm phán muốn đưa thuế suất của tất cả các mặt hàng về 0%, trong đó có dệt may.

Mặc dù chưa được ký kết chính thức, nhưng tác động của Hiệp định TPP đã thật sự khởi động. Giới đầu tư nước ngoài đang đón đầu xu hướng bùng nổ của ngành dệt may Việt Nam sau khi TPP hoàn tất các vòng đàm phán. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mới đây, hơn 350 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã được đổ vào ngành dệt may và sợi, dự kiến sẽ có khoảng 1 tỉ USD nữa sẽ được đầu tư thêm vào ngành này trong thời gian tới.

Ông Hong Tianzhu - Chủ tịch Tập đoàn Texhong Textile (Hồng Kông) - cho biết: Đầu tháng 7 vừa qua, công ty này đã đưa vào hoạt động giai đoạn 1 nhà máy sợi tại Quảng Ninh với ba nhà xưởng và một số công trình phụ trợ phục vụ sản xuất sợi với tổng đầu tư trên 200 triệu USD. Texhong cũng dự định sẽ đầu tư thêm gần 200 triệu USD để cho giai đoạn 2 của nhà máy này trong năm 2014. Công ty dệt vải Pacific Textiles (Trung Quốc) cũng dự kiến mở một nhà máy liên doanh trị giá 180 triệu USD tại Việt Nam cùng Tập đoàn Crystal (Hồng Kông).

Cần thêm 6 triệu lao động

Mở rộng thị phần xuất khẩu, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đòi hỏi một nguồn lao động lớn cho ngành dệt may. Theo ông Lê Quốc Ân - cố vấn cao cấp Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), cứ 1 tỷ USD xuất khẩu, dệt may cần hơn 100.000 lao động. Nếu áp dụng đúng bài toán này, với mục tiêu đạt 19,3 tỉ USD trong năm nay, ngành dệt may Việt Nam cần khoảng 200.000 lao động mới.

Theo quy hoạch phát triển của Viện Nghiên cứu Phát triển dệt may Việt Nam, dự kiến ngành dệt may đạt khoảng 14-16 tỉ USD vào năm 2015 với 3,5 triệu lao động. Tuy nhiên, theo ông Trần Việt - Trưởng ban Quan hệ quốc tế Hiệp hội Dệt May Việt Nam - nếu các điều kiện đàm phán TPP diễn ra thuận lợi thì tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may có thể đạt tới 55 tỉ USD vào năm 2025, đồng thời tạo ra được gần 6 triệu việc làm.

Hiện mức lương bình quân tại các doanh nghiệp của Tập đoàn Dệt May Việt Nam là khoảng 4,5 triệu đồng/tháng. Dự kiến năm nay mức lương trong ngành này sẽ tăng 5 - 10% so với năm 2012.

                                                                                                     Theo laodong.com.vn

Tin liên quan

      Dịch vụ xử lý co rút vải  (Ngày đăng: 04/10/2022)
      ESY Hàng Nhái Nhãn Hiệu Máy May ESSY  (Ngày đăng: 01/11/2019)
      Máy Xử Lý Chống Co Và Định Hình Vải  (Ngày đăng: 08/12/2017)
      Tiệc tất niên tiễn năm cũ 2016 đón năm mới 2017  (Ngày đăng: 23/01/2017)
      Hội chợ quốc tế ngành may _ Gian hàng 1F-13 công ty cổ phần đầu tư An Phương đã chính thức.  (Ngày đăng: 02/11/2016)
      Khai trương Showroom máy may ESSY tại Hải Dương  (Ngày đăng: 27/10/2016)
      Ngày 9/09/2016 và 10/09/2016 Công ty Cổ phần đầu tư An Phương khai trương chi nhánh Hải dương, tại số 29 đường An Định- khu 21- phường Nhị Châu- Thành Phố Hải Dương.  (Ngày đăng: 08/09/2016)
      Doanh nghiệp dệt may đang vật lộn với thị trường  (Ngày đăng: 27/07/2016)
      Doanh nghiệp dệt may khó tìm đơn hàng mới  (Ngày đăng: 13/07/2016)
      Chương trình khuyến mại đèn Led các loại từ ngày 11/07-10/08/2016. Tại Công Ty Cổ Phần Đầu Tư An Phương  (Ngày đăng: 09/07/2016)