Doanh nghiệp Đà Nẵng hạn chế nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc


Đầu vào và đầu ra của nhiều doanh nghiệp (DN) Đà Nẵng, đặc biệt là các ngành dệt may phụ thuộc thị trường Trung Quốc. Trước tình hình Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 và gây hấn trên biển Đông, để giảm tối đa những thiệt hại có thể do sự phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc, DN Đà Nẵng đã và đang tính đến các biện pháp dự phòng, chủ động tìm nguồn nguyên liệu mới thay thế nguồn nhập khẩu, thoát “cái bóng hàng Trung Quốc” để đứng vững trên đôi chân của mình.

Anysew.vn_Doanh nghiệp Đà Nẵng hạn chế nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc

Ngành dệt may Đà Nẵng đang chuyển hướng nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc
sang các nước ASEAN để đón sóng TPP.

Ông Mai Văn Thân, Tổng Giám đốc Cty Nhựa Quang Thanh cho biết: Do thuế nhập khẩu trong các nước ASEAN bằng 0% nên hiện nay Cty chúng tôi đã tăng cường nhập nguyên liệu từ các nước trong khu vực. Hàng Trung Quốc có lợi thế lớn nhất là giá rẻ, nhưng đó không còn là ưu tiên hàng đầu để DN nhựa chúng tôi chọn lựa.

Trước tình hình căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc nên giá cả nguyên liệu nhựa Trung Quốc nhập về Việt Nam có tăng lên 5% so với trước đây. Thực ra, DN nhựa như chúng tôi mỗi năm đều nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc khá lớn, nếu đà tăng này, cộng với Trung Quốc tiếp tục leo thang xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam, thì đây chính là cơ hội để các DN từ bỏ nguồn nhập khẩu này và tìm đến các nước ASEAN như Malaysia, Thái Lan. Ông Thân nói.

Đối với ngành dệt may là ngành bị tác động lớn vì nhiều nguyên liệu đầu vào được nhập khẩu từ Trung Quốc, ông Nguyễn Đức Trị, Tổng Giám đốc Cty Dệt may Hòa Thọ cho biết, trước đây, nguyên liệu Trung Quốc chiếm phần lớn trong tổng nguồn nguyên liệu sản xuất của Cty. Để giảm mạnh nguồn hàng này, cũng như ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước cơ hội vào Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) do đó trong thời gian qua, Cty bắt đầu chuyển sang mua nguyên liệu đầu vào một số nước khác như Ấn Độ, Thái Lan, Hàn Quốc để giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu của Trung Quốc. Bên cạnh đó, chúng tôi còn thuyết phục khách hàng chấp nhận nguyên vật liệu sản xuất tại Việt Nam.

Ông Phan Hải, Tổng Giám đốc Cty Giày BQ, cho biết trước đây công ty sử dụng khoảng 50% nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc. Thế nhưng, từ khi có thông tin hàng Trung Quốc ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, và đặc biệt là việc Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan trái phép và hung hăng trên vùng biển đặc quyền của Việt Nam, Cty BQ đã có chiến lược dần chuyển sang nguyên liệu trong nước hoặc từ các nước Đông Nam Á và đến nay Cty chỉ nhập khoảng 10% nguyên liệu từ Trung Quốc mà chủ yếu khoen, khuy, khóa.

Ông Hải chia sẻ, ngay lập tức thay đổi là không dễ nhưng đây là cơ hội để DN nội nâng cấp, thoát sự ảnh hưởng từ hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này sẽ không thể thành hiện thực nếu chỉ có sự tham gia của DN mà cần có sự hỗ trợ của cơ quan Nhà nước và đặc biệt là người tiêu dùng cần nói không với hàng Trung Quốc.

Cùng quan điểm giảm lệ thuộc nguồn nguyên liêu, máy móc từ Trung Quốc, ông Hà Phước Lộc, Phó Tổng Giám đốc Cty Cao su Đà Nẵng (DRC) cho biết, thiết bị máy móc, nguyên liệu, hóa chất dung môi để sản xuất cao su nhập khẩu chính là từ Trung Quốc vì gần Việt Nam nên chi phí vận chuyển rẻ hơn, giá cả cạnh tranh hơn một số nước khác. Tuy nhiên, đến nay nhà máy sản xuất lốp Radial đã chạy suôn sẻ, các kỹ sư DRC đã làm chủ được công nghệ. Bên cạnh đó, để đón đầu cho sân chơi lớn TPP, Cty đã lên kế hoạch từ đầu năm nay chuyển đổi thị trường nguyên liệu từ Trung Quốc sang các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, giảm lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc vì nếu sử dụng nguyên vật liệu đầu vào của Trung Quốc thì không thể vào sân chơi TPP để hưởng thuế suất 0%...

Do đó, mặc dù nhập nguyên vật liệu từ các nước Hàn Quốc, Nhật Bản dù giá có cao hơn so với Trung Quốc nhưng khi được giảm thuế xuất khẩu thì lại lợi hơn rất nhiều. Ông Lộc cho rằng, khó khăn cũng là cơ hội để DN chuyển đổi cơ cấu thị trường, nâng cao nội lực, chuyển đổi cơ cấu thị trường nhập khẩu để tận dụng các ưu đãi về thuế theo TPP.

Tại Hội thảo DN Việt Nam trước cơ hội và thách thức khi tham gia TPP vừa được tổ chức tại Đà Nẵng, PGS-TS Nguyễn Hồng Nhung, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng trong bối cảnh hiện tại các DN Đà Nẵng nhanh chóng đa dạng hóa, mở rộng thị trường, chủ động nâng cao sức cạnh tranh, tìm nguồn hàng từ các nước trong khu vực, hạn chế phụ thuộc nguồn hàng Trung Quốc để đón sóng hưởng lợi từ TPP.

Tuy nhiên, cũng theo PGS-TS Nhung điều này không dễ giải quyết một sớm một chiều được vì nguyên phụ liệu Trung Quốc có giá bán cực kỳ cạnh tranh nên nếu chuyển sang thị trường khác hoặc tự phát triển nguồn nguyên liệu thì sẽ khiến DN Việt Nam phải tốn chi phí đầu vào lớn, dẫn tới giảm sức cạnh tranh về giá thành trong ngắn hạn. Vì vậy, đây là một nhiệm vụ chiến lược, lâu dài, phải được thực hiện theo lộ trình hết sức bài bản của các DN để dần dần thoát khỏi cái bóng Trung Quốc...

                                                                                      Theo cadn.com.vn

Tin liên quan

      Dịch vụ xử lý co rút vải  (Ngày đăng: 04/10/2022)
      ESY Hàng Nhái Nhãn Hiệu Máy May ESSY  (Ngày đăng: 01/11/2019)
      Máy Xử Lý Chống Co Và Định Hình Vải  (Ngày đăng: 08/12/2017)
      Tiệc tất niên tiễn năm cũ 2016 đón năm mới 2017  (Ngày đăng: 23/01/2017)
      Hội chợ quốc tế ngành may _ Gian hàng 1F-13 công ty cổ phần đầu tư An Phương đã chính thức.  (Ngày đăng: 02/11/2016)
      Khai trương Showroom máy may ESSY tại Hải Dương  (Ngày đăng: 27/10/2016)
      Ngày 9/09/2016 và 10/09/2016 Công ty Cổ phần đầu tư An Phương khai trương chi nhánh Hải dương, tại số 29 đường An Định- khu 21- phường Nhị Châu- Thành Phố Hải Dương.  (Ngày đăng: 08/09/2016)
      Doanh nghiệp dệt may đang vật lộn với thị trường  (Ngày đăng: 27/07/2016)
      Doanh nghiệp dệt may khó tìm đơn hàng mới  (Ngày đăng: 13/07/2016)
      Chương trình khuyến mại đèn Led các loại từ ngày 11/07-10/08/2016. Tại Công Ty Cổ Phần Đầu Tư An Phương  (Ngày đăng: 09/07/2016)