Cần tự chủ nguồn nguyên, phụ liệu dệt may


Ngành dệt may giữ vai trò quan trọng trong việc tạo ra việc làm, giá trị sản xuất công nghiệp và mang lại kim ngạch xuất khẩu cho TP Hồ Chí Minh. Thế nhưng, hiện nay phần lớn nguyên, phụ liệu của ngành dệt may thành phố phải nhập khẩu và lệ thuộc khá nhiều vào một vài nước.

Anysew.vn_Cần tự chủ nguồn nguyên, phụ liệu dệt may
 Công nhân Công ty May Sài Gòn 3 may quần ka-ki xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Ngành dệt may giữ vai trò quan trọng trong việc tạo ra việc làm, giá trị sản xuất công nghiệp và mang lại kim ngạch xuất khẩu cho TP Hồ Chí Minh. Thế nhưng, hiện nay phần lớn nguyên, phụ liệu của ngành dệt may thành phố phải nhập khẩu và lệ thuộc khá nhiều vào một vài nước.

Tỷ lệ nội địa hóa còn thấp Theo bộ phận xây dựng Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may và công nghiệp thời trang TP Hồ Chí Minh, ngành dệt may chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố (gần 23% năm 2013). Trong sáu tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may thành phố cũng duy trì được tốc độ tăng trưởng khoảng 10,18% so cùng kỳ năm 2013. Tuy vậy, có thể ví von rằng, ngành dệt may thành phố đang phát triển trên nền móng bằng... cát khi phần lớn nguyên, phụ liệu (NPL) phải lệ thuộc nước ngoài.

Trong nhiều năm qua, giá trị nhập khẩu NPL chiếm hơn 70% kim ngạch xuất khẩu dệt may. Trong đó, NPL nhập khẩu tập trung nhiều nhất ở thị trường Trung Quốc.

Mặc dù từ nhiều năm qua, vấn đề hạn chế NPL được nhập khẩu đã được đặt ra, nhưng đến nay tình hình gần như vẫn chưa được cải thiện đáng kể.

Điều đáng lo là dù tính cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thì nguồn NPL nội địa chỉ mới đáp ứng được 30% nhu cầu của ngành dệt may. Dễ thấy là NPL dệt may từ Trung Quốc có lợi thế lớn về nguồn cung dồi dào, giá rẻ, mẫu mã đa dạng và cước phí vận chuyển khá thấp so với nhiều thị trường khác trong khu vực.

Thực tế là trong nhiều năm nay, các doanh nghiệp chỉ tập trung đầu tư vào khâu may mà ít quan tâm đầu tư vào công đoạn sợi, dệt, nhuộm. Nguyên nhân chính là do các công đoạn sợi, dệt, nhuộm cần có vốn đầu tư ban đầu rất lớn. Một nhà máy sợi, dệt, nhuộm có vốn đầu tư tính bằng cả nghìn tỷ đồng, chưa kể những chi phí thêm cho khâu xử lý nước thải, trong khi chỉ cần từ vài chục đến vài trăm tỷ đồng là có được một nhà máy may. Do vậy, chỉ có một số doanh nghiệp dệt may lớn, thực hiện các đơn hàng theo phương thức FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) hoặc ODM (tự thiết kế mẫu mã, sản xuất và bán sản phẩm) mới mạnh dạn đầu tư "trọn gói". Vì vậy, chuỗi sản xuất dệt may của thành phố khá mong manh, rời rạc và thiếu yếu tố bền vững.

Tự chủ và đa dạng hóa Theo ông Lê Đông Triều, nếu sản phẩm dệt may Việt Nam không đạt tỷ lệ NPL nội khối ASEAN 60% vào năm 2015 (thời điểm dự kiến nước ta chính thức tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN) nhằm đáp ứng quy tắc xuất xứ thì chúng ta cũng không được hưởng các ưu đãi về thuế suất. Tương tự, theo Hiệp định TPP đang đàm phán, nếu sản phẩm dệt may của nước ta xuất khẩu vào các thị trường tham gia Hiệp định TPP không đáp ứng được quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi thì cũng không tận dụng được những lợi thế mà TPP mang lại. Do vậy, ngành dệt may Việt Nam nói chung và thành phố nói riêng cần tập trung phát triển công nghiệp phụ trợ để tăng tỷ lệ nội địa hóa, từng bước tự túc được NPL, cũng như mở rộng thêm các thị trường nhập khẩu NPL.

Trước tình hình này, Giditex đã tiến hành những bước đi cần thiết. Bên cạnh việc phối hợp Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) xây dựng Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may và công nghiệp thời trang thành phố, Giditex cũng đã giao Công ty SX-TM-DV Xuất nhập khẩu Indira Gandhi (một thành viên của Giditex) hợp tác với một tập đoàn của Nhật Bản phát triển một cụm công nghiệp sản xuất khép kín từ NPL dệt may đến sản phẩm dệt may xuất khẩu.

Cùng với đó, Giditex cũng đang triển khai dự án đầu tư nhà máy sợi có quy mô 40 nghìn cọc sợi với vốn đầu tư khoảng 399 tỷ đồng tại Khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân). Đây là một trong những dự án nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, tăng tỷ lệ nội địa hóa cho các sản phẩm dệt may của Giditex, nhất là để đón đầu những lợi thế từ Hiệp định TPP.

Vinatex hợp tác Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn đầu tư dự án khu công nghiệp chuyên sản xuất NPL dệt may tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, với tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 100 tỷ đồng... Ông Phạm Xuân Hồng cho biết thêm: Hội Dệt may - Thêu - Đan thành phố đã và sẽ tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, kết nối giữa các nhà sản xuất NPL với các nhà sản xuất thành phẩm dệt may để hai bên hiểu biết nhau hơn và tìm được tiếng nói chung về cung cầu. Theo ông Hồng, để tăng tỷ lệ nội địa hóa thông qua việc phát triển công nghiệp hỗ trợ cần chú trọng nguồn vốn đầu tư nước ngoài dưới nhiều hình thức; Nhà nước cần có chính sách ưu đãi để thu hút được vốn đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp thành phố cũng đã và đang tìm cách đa dạng hóa nguồn NPL, tăng cường hơn nữa lượng NPL nhập khẩu từ các nước tham gia TPP và các nước trong khu vực lân cận.

Còn theo Giám đốc Sở Công thương thành phố Lê Văn Khoa, thành phố sẽ kiến nghị trung ương ban hành thêm một số chính sách hỗ trợ đặc biệt nhằm thu hút mạnh việc đầu tư phát triển NPL dệt may như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp bốn năm đối với doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong chín năm tiếp theo, miễn tiền thuê đất 20 năm; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp bốn năm đối với doanh nghiệp thuê đất sản xuất trong khu công nghiệp sản xuất NPL dệt may...

                                                                                                            Theo nhandan.org.vn

Tin liên quan

      Dịch vụ xử lý co rút vải  (Ngày đăng: 04/10/2022)
      ESY Hàng Nhái Nhãn Hiệu Máy May ESSY  (Ngày đăng: 01/11/2019)
      Máy Xử Lý Chống Co Và Định Hình Vải  (Ngày đăng: 08/12/2017)
      Tiệc tất niên tiễn năm cũ 2016 đón năm mới 2017  (Ngày đăng: 23/01/2017)
      Hội chợ quốc tế ngành may _ Gian hàng 1F-13 công ty cổ phần đầu tư An Phương đã chính thức.  (Ngày đăng: 02/11/2016)
      Khai trương Showroom máy may ESSY tại Hải Dương  (Ngày đăng: 27/10/2016)
      Ngày 9/09/2016 và 10/09/2016 Công ty Cổ phần đầu tư An Phương khai trương chi nhánh Hải dương, tại số 29 đường An Định- khu 21- phường Nhị Châu- Thành Phố Hải Dương.  (Ngày đăng: 08/09/2016)
      Doanh nghiệp dệt may đang vật lộn với thị trường  (Ngày đăng: 27/07/2016)
      Doanh nghiệp dệt may khó tìm đơn hàng mới  (Ngày đăng: 13/07/2016)
      Chương trình khuyến mại đèn Led các loại từ ngày 11/07-10/08/2016. Tại Công Ty Cổ Phần Đầu Tư An Phương  (Ngày đăng: 09/07/2016)