Thị trường thời trang Việt: Chao đảo trước sức ép ngoại


Đứng trong top 10 các nước xuất khẩu hàng dệt may trên thế giới nhưng thị trường thời trang Việt Nam trong một thời gian dài lại nằm trong tay những nhãn hiệu đến từ nước ngoài.

Anysew.vn_Thị trường thời trang Việt: Chao đảo trước sức ép ngoại


Một số cửa hàng An Phước - Pierre Cardin doanh số rất thấp nhưng Cty vẫn phải giữ lại để xây dựng hình ảnh thương hiệu

Cùng với làn sóng những sản phẩm trung bình từ Trung Quốc, Thái Lan… lan khắp các tỉnh thành, cơn sóng của những thương hiệu thời trang cao cấp từ những nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đang phủ kín những trung tâm mua sắm lớn tại các TP lớn, khiến ngành may mặc, thời trang Việt Nam chao đảo…

Nỗi lo mất sân

Theo thống kê chưa đầy đủ của các DN kinh doanh thời trang, đến thời điểm hiện tại, có gần 200 thương hiệu thời trang ngoại đang có mặt tại Việt Nam, chiếm hơn 60% thị trường, tiêu thụ mạnh nhất là những thương hiệu tầm trung như Giordano, Bossini (châu Á) và tầm cao như CK, Mango, D&G…

Theo các chuyên gia, thị trường Việt Nam hơn 90 triệu dân với mức tăng trưởng bình quân từ 15 – 20% là niềm “mơ ước” của nhiều DN ngoại. Đó là lý do khiến các thương hiệu nước ngoài vẫn liên tiếp xuất hiện tại Việt Nam. Hiện, ngành may mặc nội địa đang áp mức thuế nhập khẩu 20% nhưng sẽ dần xuống 0% khi Việt Nam tham gia TPP và gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN. Và khi ấy, khó khăn của DN Việt sẽ càng gấp bội và nỗi lo mất “sân nhà” cũng sẽ dần trở thành hiện thực.

Xuất hiện trên thị trường từ năm 1999 với định vị ở phân khúc trung cấp, đến năm 2007, Foci (thuộc Cty Thời trang Nguyên Tâm) đã mở đến 60 cửa hàng ở nhiều thành phố lớn trên cả nước. Thế nhưng, khoảng ba năm trở lại đây, hệ thống cửa hàng của Foci đã thu hẹp dần và hiện DN đã không còn đầu tư vào hệ thống bán lẻ thời trang mà chuyển sang may gia công đồng phục và xây dựng website, bán hàng qua mạng.

Cách đây hơn một năm, bà Ngô Thị Báu, chủ của thương hiệu Foci từng công bố đầu tư mạnh cho kênh bán hàng trực tuyến và xem đây là kênh phân phối chính trong bối cảnh kinh doanh truyền thống gặp khó khăn. Trên trang web http://www.foci.com.vn thể hiện thông tin DN này còn cửa hàng tại TP HCM, Hà Nội và Đà Nẵng thế nhưng những thông tin trên trang web này cũng chỉ cập nhật đến tháng 1/2014 và cũng không rõ địa chỉ các cửa hàng ở những đâu. PV gọi số máy Hỗ trợ khách hàng: 0866852938 thì nhận được thông báo từ tổng đài: số máy quý khách vừa gọi không đúng… Được biết, hiện tại, bà Báu đã không còn mặn mà với thời trang và chuyển hướng sang kinh doanh nhà hàng.

Ninomaxx, thương hiệu đình đám một thời và từng có lúc xây dựng được hệ thống 200 cửa hàng trong cả nước nay cũng đã phải sắp xếp lại còn chưa đầy 50 điểm bán. Năm 2013, sự kiện Ninomaxx đóng cửa hàng loạt các cửa hàng lớn đã khiến người tiêu dùng nghi ngại DN này phá sản. Đại diện Ninomaxx cho biết, Cty đã phải tính đến phương án thu hẹp sản xuất, thay đổi mô hình kinh doanh…

Ngay như thương hiệu thời trang dành cho quý ông thành đạt là Pierre Cardin, An Phước dù không bị ảnh hưởng từ hàng giá rẻ nhưng sức mua cũng giảm sút. Bà Nguyễn Thị Điền - Tổng giám đốc Cty May Thêu Đan giày An Phước cho biết, có những cửa hàng doanh số rất thấp nhưng Cty phải giữ lại để “xây dựng hình ảnh thương hiệu”. “Ở những địa điểm này nếu không kinh doanh được cũng xem như đây là nơi để tạo độ nhận diện thương hiệu trong lòng người tiêu dùng. Thay vì bỏ tiền ra quảng cáo thì đây cũng là cách quảng cáo hữu hiệu” - bà Điền chia sẻ

Trở tay kịp không?

Theo các chuyên gia, điều đáng lo ngại nhất là dù đã nỗ lực đổi mới nhưng các thương hiệu thời trang Việt Nam đang rất khó khi phải cạnh tranh với hàng hiệu nước ngoài. Canifa – Thương hiệu thời trang của Cty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Hoàng Dương là một ví dụ.

Là DN Việt được thành lập năm 1997 hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng thời trang xuất khẩu với các sản phẩm chủ yếu làm từ len, sợi, năm 2001, thương hiệu thời trang Canifa được ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu đang tăng lên của thị trường nội địa. Sau một thời gian dai “làng nhàng” với các sản phẩm chủ yếu là len thông dụng, mẫu mã đơn điệu, năm 2014, Canifa tạo dấu ấn đột phá trên thị trường trong vụ Thu - Đông với các sản phẩm thiết kế đa dạng, đặc biệt là sự thiết kế - phối hợp các mẫu mã thời trang, phụ kiện theo xu thế, hợp mốt từ dòng thời trang người lớn đến dòng trẻ em. Thậm chí, có nhiều thời điểm, tại nhiều cửa hàng Canifa liên tục cháy hàng. Tuy nhiên, sang vụ Hè 2015, các cửa hàng Canifa lại trầm lắng như thuở… nhàng nhàng trước đây…

Sự thiếu kiên định và thiếu chiến lược lâu dài cho thị trường nội địa của các Cty thời trang rất có thế sẽ không tránh khỏi bị “sặc” trước sức ép của AEC, TPP đang rất gần...
Không quá khó hiểu về sự trầm lắng này vì Canifa xuất phát điểm là dòng len sợi phục vụ chủ yếu cho mùa thu – đông. Và nhìn vào danh sách các vị trí tuyển dụng đến tháng 5/2015 của DN này trên web http://canifa.com thấy rằng, rất có thể chiến lược của Canifa trước mắt là “toàn lực” cho 2 mùa này.

Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia trong ngành, nếu chỉ tập trung vào phân khúc theo mùa, sản phẩm của DN không tránh khỏi tăng giá cao để “cõng” các chi phí cho quản trị DN, mặt bằng, hệ thống cửa hàng thời trang vốn phải duy trì cả 365 ngày trên toàn hệ thống. Và trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt của DN ngoại, điều đó tiềm ẩn không ít rủi ro.

Chủ tịch HĐQT một Cty thời trang lớn cho rằng, khó khăn là có thực, sự cạnh tranh không chỉ từ các thương hiệu ngoại mà từ hàng nhập lậu Trung Quốc, nhưng nếu DN chú tâm, có chiến lược tốt và có tâm huyết với thương hiệu của mình thì vẫn sống được. Tuy nhiên, câu chuyện của số đông DN may mặc khi tìm cách chiếm lĩnh, chiếm lại "sân nhà" thật sự không dễ dàng. Ngay các DN lớn như: Việt Tiến, Việt Thắng, May Nhà Bè, May 10, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) và một số doanh nghiệp may mặc thời trang tư nhân cũng gặp khó khi liên tiếp cho ra đời các dòng nhãn hiệu thời trang từ cao cấp đến bình dân để phục vụ thị trường nội địa nhưng vẫn bí đầu ra.

Và như thế, hướng đi cho các DN may mặc tại thị trường nội địa, liệu có bị hoàn cảnh khó khăn chung lúc này làm lạc hướng? Sự thiếu kiên định và thiếu chiến lược lâu dài cho thị trường nội địa của các Cty thời trang rất có thế sẽ không tránh khỏi bị “sặc” trước sức ép của AEC, TPP đang rất gần...

                                                                                                 Theo dddn.com.vn

Tin liên quan

      Dịch vụ xử lý co rút vải  (Ngày đăng: 04/10/2022)
      ESY Hàng Nhái Nhãn Hiệu Máy May ESSY  (Ngày đăng: 01/11/2019)
      Máy Xử Lý Chống Co Và Định Hình Vải  (Ngày đăng: 08/12/2017)
      Tiệc tất niên tiễn năm cũ 2016 đón năm mới 2017  (Ngày đăng: 23/01/2017)
      Hội chợ quốc tế ngành may _ Gian hàng 1F-13 công ty cổ phần đầu tư An Phương đã chính thức.  (Ngày đăng: 02/11/2016)
      Khai trương Showroom máy may ESSY tại Hải Dương  (Ngày đăng: 27/10/2016)
      Ngày 9/09/2016 và 10/09/2016 Công ty Cổ phần đầu tư An Phương khai trương chi nhánh Hải dương, tại số 29 đường An Định- khu 21- phường Nhị Châu- Thành Phố Hải Dương.  (Ngày đăng: 08/09/2016)
      Doanh nghiệp dệt may đang vật lộn với thị trường  (Ngày đăng: 27/07/2016)
      Doanh nghiệp dệt may khó tìm đơn hàng mới  (Ngày đăng: 13/07/2016)
      Chương trình khuyến mại đèn Led các loại từ ngày 11/07-10/08/2016. Tại Công Ty Cổ Phần Đầu Tư An Phương  (Ngày đăng: 09/07/2016)