Ông lớn dệt may đổ vốn cán đích tham vọng


Hàng loạt dự án đầu tư mới đang được các ông lớn trong ngành dệt may như May Việt Tiến, Hanosimex, May Nhà Bè… rục rịch khởi công.

Đại hội cổ đông 2015 của Tổng công ty cổ phần Dệt May Hà Nội (Hanosimex) vừa kết thúc đã thông qua mục tiêu doanh thu 2015 xấp xỉ 1.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 28 tỷ đồng, thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng, chia cổ tức 12%.

Không những thế, ngay trong quý II/2015, Hanosimex quyết khởi công 2 dự án đầu tư lớn nằm trong kế hoạch này. Đó là Dự án Nhà máy sợi Đồng Văn tại Hà Nam, quy mô 30.000 cọc sợi, sản lượng sợi dự kiến 5.500 tấn/năm, với mặt hàng chính là sợi pha chải kỹ, tổng vốn đầu tư xấp xỉ 420 tỷ đồng và Dự án Nhà máy may Nam Đàn 2, quy mô 28 chuyền may, tổng mức đầu tư 80,2 tỷ đồng.

Anysew.vn_Ông lớn dệt may đổ vốn cán đích tham vọng


Nhiều doanh nghiệp dệt may rục rịch kế hoạch đón cơ hội khi các hiệp định thương mại được ký kết

 Ông Dương Khuê, Chủ tịch HĐQT Hanosimex cho biết, đây là những dự án có công suất và tổng mức đầu tư lớn nhất trong năm 2015, giúp tăng năng lực sản xuất cho doanh nghiệp. Chính bởi vậy, thời gian xây dựng các dự án này cũng được xác định rất gấp rút, không quá 12 tháng với dự án sợi và không quá 8 tháng với dự án may.

“Nguồn vốn thực hiện các dự án được lấy từ nguồn chuyển mục đích sử dụng đất và vốn vay thương mại”, ông Khuê cho biết.

Trong khi đó, Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến, “anh cả” trong số doanh nghiệp thành viên Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cũng đang bắt tay đầu tư nhiều hạng mục lớn nằm trong kế hoạch 2015-2016.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch HĐQT Việt Tiến cho biết, trong giai đoạn 2015-2016, Việt Tiến sẽ đầu tư khoảng 500 tỷ đồng cho việc phát triển mở rộng, đầu tư công nghệ sản xuất tiên tiến - tinh gọn nhằm tăng năng suất lao động, quản trị chất lượng ở mức cao.

“Hiện Việt Tiến đang tăng dần tỷ trọng sản xuất hàng FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), đồng thời mở rộng khả năng sản xuất hàng ODM (tự thiết kế, sản xuất, xuất khẩu) từ 5-7% trên tổng doanh thu cũng như tăng khả năng đáp ứng những tiêu chuẩn theo quy định của các hiệp định thương mại như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay các hiệp định thương mại tự do sắp có hiệu lực”, ông Giang nói.

Được biết, với tỷ lệ chia cổ tức 30% trong năm 2014, Việt Tiến là một trong số ít doanh nghiệp thành viên trong Vinatex có tỷ suất lợi nhuận cao và đáng mơ với nhiều doanh nghiệp trong ngành.

Sở dĩ có được tỷ lệ cổ tức 30%, Việt Tiến đã chủ động được khoảng 40-50% nguyên phụ liệu tại chỗ nhờ vào chính sản lượng nguyên liệu từ các doanh nghiệp thành viên và từ các đơn vị liên doanh, liên kết…

Việt Tiến có nhà máy sản xuất vải sơ mi khoảng 20.000 m, có nghĩa rằng ít nhất có 20 triệu sản phẩm áo sơmi Việt Tiến thỏa mãn mọi điều kiện xuất xứ theo quy định của EU cũng như các nội dung đang được TPP bàn tới. Sự chủ động về nguyên liệu này sẽ gia tăng mạnh hơn nữa khi các dự án đầu tư 2015 - 2016 của doanh nghiệp được hoàn thành.

Năm 2015, Việt Tiến đặt mục tiêu tổng doanh thu 5.700 tỷ đồng, tăng 5,2% so với thực hiện năm 2014, lợi nhuận trước thuế 290 tỷ đồng, tăng 3,6% so với năm ngoái, chi trả cổ tức tối thiểu 20%.

Một tên tuổi lớn khác là Tổng công ty cổ phần May Nhà Bè cũng khởi động việc đầu tư mở rộng, đón cơ hội thị trường khi một số hiệp định thương mại đa phương và song phương được ký kết, đi vào hiệu lực.

Với tổng doanh thu 2.866 tỷ đồng năm 2014, lợi nhuận sau thuế 66,7 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu 537 triệu USD (gộp toàn bộ doanh thu từ làm hàng gia công), cổ tức 20%, May Nhà Bè đặt mục tiêu doanh thu năm 2015 với 3.200 tỷ đồng, tăng gần 350 tỷ đồng so với năm 2014, kim ngạch xuất khẩu 550 triệu USD, lợi nhuận sau thuế 69 tỷ đồng, cổ tức 18-25%.

Theo ông Phạm Phú Cường Chủ tịch HĐQT May Nhà Bè, ngay trong năm 2015, nhiệm vụ của Tổng công ty là thực hiện đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy may Nhà Bè - Hậu Giang tại TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, với quy mô lao động lên tới 4.000 người.

“Việc đầu tư tại các địa phương vùng ven TP.HCM là cần thiết trong những năm tới, do ngày càng nhiều dự án FDI vào Việt Nam đầu tư mới, đầu tư mở rộng sản xuất, dẫn tới cạnh tranh khốc liệt về lao động, trong khi, lao động ngành may ngày càng khó tuyển dụng tại TP.HCM”, ông Cường cho biết.

Tham vọng là trong 3 năm tới, chiến lược mở rộng sản xuất của May Nhà Bè tại các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long sẽ nâng quy mô thành 10.000 lao động làm việc trực tiếp tại Nhà máy May Nhà Bè - Hậu Giang và một số dự án may lớn đang được May Nhà Bè chuẩn bị thực hiện ở khu vực miền Tây trong giai đoạn 2015 - 2017.

                                                                                                    Theo baodautu.vn

Tin liên quan

      Dịch vụ xử lý co rút vải  (Ngày đăng: 04/10/2022)
      ESY Hàng Nhái Nhãn Hiệu Máy May ESSY  (Ngày đăng: 01/11/2019)
      Máy Xử Lý Chống Co Và Định Hình Vải  (Ngày đăng: 08/12/2017)
      Tiệc tất niên tiễn năm cũ 2016 đón năm mới 2017  (Ngày đăng: 23/01/2017)
      Hội chợ quốc tế ngành may _ Gian hàng 1F-13 công ty cổ phần đầu tư An Phương đã chính thức.  (Ngày đăng: 02/11/2016)
      Khai trương Showroom máy may ESSY tại Hải Dương  (Ngày đăng: 27/10/2016)
      Ngày 9/09/2016 và 10/09/2016 Công ty Cổ phần đầu tư An Phương khai trương chi nhánh Hải dương, tại số 29 đường An Định- khu 21- phường Nhị Châu- Thành Phố Hải Dương.  (Ngày đăng: 08/09/2016)
      Doanh nghiệp dệt may đang vật lộn với thị trường  (Ngày đăng: 27/07/2016)
      Doanh nghiệp dệt may khó tìm đơn hàng mới  (Ngày đăng: 13/07/2016)
      Chương trình khuyến mại đèn Led các loại từ ngày 11/07-10/08/2016. Tại Công Ty Cổ Phần Đầu Tư An Phương  (Ngày đăng: 09/07/2016)