Công nhân lao động dệt - may: Những nỗi khổ không giống ai


Rất nhiều công nhân lao động ngành dệt - may đang phải dốc sức làm thêm vì thu nhập thấp, lương không đảm bảo cuộc sống.

Anysew.vn_Công nhân lao động dệt - may: Những nỗi khổ không giống ai


Công nhân dệt - may đang phải đối mặt với nhiều loại bệnh nghề nghiệp, trong khi thu nhập còn thấp. Ảnh: D.THÚY

Rất nhiều công nhân lao động ngành dệt - may đang phải dốc sức làm thêm vì thu nhập thấp, lương không đảm bảo cuộc sống. Nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp đang đè nặng lên họ. Theo GS-TS Lê Vân Trình - Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật ATVSLĐ Việt Nam - bệnh nghề trong ngành dệt - may chủ yếu là bệnh bụi phổi bông và bệnh dãn tĩnh mạch chân... Đặc biệt, bệnh dãn tĩnh mạch chân lại chưa được đưa vào danh mục bệnh nghề nghiệp được Nhà nước bảo hiểm, mặc dù nó có thể gây phù chân, tạo thành huyết khối, làm tắc nghẽn, dễ gây vỡ các mạch máu ở phổi khi người lao động làm việc gắng sức.

Kỳ 1: Mơ “đồng lương tối thiểu cao hơn”

Trong chiến dịch thanh tra lao động ngành may mặc năm 2015 do Bộ LĐTBXH và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức, thanh tra lao động đã phối hợp với các đối tác tiến hành thanh tra 152 doanh nghiệp (DN) dệt - may tại 12 tỉnh, thành phố. Kết quả cho thấy nội dung vi phạm nhiều nhất là huy động người lao động (NLĐ) làm thêm quá số giờ quy định, có tới 60 DN vi phạm. Tuy nhiên, một vấn đề đang đặt ra là chính NLĐ cũng chấp nhận làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống.

Tự nguyện làm thêm giờ theo yêu cầu của chủ DN

Nguyễn T.T (CN Cty TNHH Hoa Hạ, Bắc Giang - Cty dệt bao đựng hàng) cho biết, thu nhập hằng tháng của chị từ 5-7 triệu đồng/tháng. Đây là mức thu nhập khá cao so với mặt bằng chung của công nhân lao động (CNLĐ) ở Bắc Giang. Tuy nhiên, để có số tiền đó thì: “Chúng tôi làm hầu như không có ngày nghỉ, cộng thêm mỗi ngày làm việc 9-10 tiếng mới có mức thu nhập như vậy. Đó là chưa kể môi trường làm việc vô cùng bụi bặm và ầm ỹ. Tuy Cty có phát bảo hộ LĐ đầy đủ, nhưng chị có thể tưởng tượng được là lúc nào cũng phải đeo 2 khẩu trang mà lúc tan ca, mũi vẫn đầy bụi?... Tôi làm ở đây đã được dăm năm, mệt lắm, nhưng vì hoàn cảnh và mức thu nhập ổn định nên vẫn cứ phải gồng mình lên mà làm thôi...”.

Không phải tăng ca nhiều, nhưng tình cảnh của Dương H.C (CN Cty may Hanosimex, Hà Nội) cũng không khá hơn. Sống giữa thủ đô, nhưng nhà máy của anh chuyển cách nhà gần 20km. Thế là sáng nào C cũng ra khỏi nhà từ 6h30 đến tận 19h mới về đến nhà. Hôm nào tăng ca thì phải 20h - 21h mới về. Đi làm vất vả thế nhưng thu nhập của anh chỉ được khoảng hơn 3 triệu đồng/tháng. “Tháng nào có tăng ca thì được 4 - 4,5 triệu đồng. Vì thế, tôi cứ muốn nhà máy có nhiều đơn hàng để ngày nào, tuần nào cũng được tăng ca. Nghe vô lý phải không? Nhưng nếu không như thế thì làm sao có thể đủ sống? Hơn nữa, đằng nào cũng mất cả ngày ở nhà máy rồi... Rất nhiều người có suy nghĩ như tôi, không tin, chị có thể đi hỏi những người khác mà xem” - C thật thà cho biết.

… để có thu nhập đủ trang trải cuộc sống

Kết quả chiến dịch thanh tra LĐ nói trên cũng chỉ rõ mức lương trung bình trong ngành may mặc thấp buộc NLĐ tự nguyện làm thêm giờ quá khả năng tái tạo sức LĐ. Hầu hết các DN đều trả lương đúng bằng mức lương tối thiểu vùng (chỉ thêm 5% phụ cấp nghề độc hại và 7% với LĐ đã qua đào tạo); trong khi NLĐ (chủ yếu là nữ), không đủ trang trải mức sống tối thiểu, thuê nhà và nuôi con, nên họ đều phải tự nguyện làm thêm giờ theo yêu cầu của chủ DN.

Anh Dương H.C cho biết thêm: “Chúng tôi chưa có con, vợ tôi cũng chỉ làm may vá nhì nhằng ở nhà. Với thu nhập bình quân chưa đến 4 triệu đồng/tháng mà lại sống giữa thủ đô, không có cách gì để đủ sống, nếu phải đi thuê nhà và sinh hoạt riêng. Trước đây, khi mới cưới vợ, phần vì muốn ở riêng, phần vì tránh việc phải đi làm xa, chúng tôi đã thuê nhà ở gần nhà máy, được một thời gian lại dọn về ở với cha mẹ vì tiền thuê nhà cũng chiếm đến non nửa tiền lương của tôi rồi”.

Còn chị L.N.C, đang làm việc cho một Cty may ở Hải Dương, chia sẻ: “Nghe thu nhập dăm, bảy triệu thì to, nhưng thực tế, tôi cũng phải tằn tiện lắm mới đủ sống. Tôi góa chồng từ khi con thứ hai còn ở trong bụng. Giờ, cuộc sống của ba mẹ con (đứa lớn học lớp 6, đứa nhỏ lên lớp 2) chỉ trông vào công LĐ của tôi. Tiền ăn, tiền học, tiền sinh hoạt phí, tiền “kẻ khóc, người cười” đều lấy ở đó ra. Than thì than thế thôi, chứ giờ mà chỉ trông chờ vào đồng lương và phụ cấp thôi (khoảng hơn 3 triệu) thì chắc các con tôi lại đến thất học mất. Đó là lý do tại sao tôi cứ phải bám lấy Cty và đi làm như một cái máy. Biết là bản thân cũng chả có sức mà làm mãi thế này được, nhưng được lúc nào hay lúc ấy... Thật là, có việc làm thêm cũng “chết” mà không có việc làm thêm cũng “chết”. Giá như đồng lương tối thiểu được tăng cao hơn thì có lẽ tôi chẳng bao giờ chấp nhận việc làm thêm triền miên như hiện nay”. Ước mơ về “đồng lương tối thiểu tăng cao hơn” không chỉ của riêng chị L.N.C, mà còn là của hầu hết những CNLĐ đang phải vật lộn với cuộc sống.

Chiến dịch thanh tra LĐ trong ngành may mặc năm 2015 do Bộ LĐTBXH và ILO tổ chức phát hiện có tới 60 DN (trong số 152 DN) vi phạm lỗi huy động NLĐ làm thêm quá số giờ quy định; 22 DN không thực hiện đúng quy định về thời gian làm việc cho LĐ nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, LĐ nữ làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và có thai từ 7 tháng tuổi trở lên. Về tiền lương, có 47 DN chưa làm định mức LĐ hệ thống thang, bảng lương; 36 DN chưa trả lương ngày chưa nghỉ hằng năm của LĐ hoặc chưa nghỉ hết số ngày; không thực hiện trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ.

                                                                                                       Theo laodong.com.vn

 

Tin liên quan

      Dịch vụ xử lý co rút vải  (Ngày đăng: 04/10/2022)
      ESY Hàng Nhái Nhãn Hiệu Máy May ESSY  (Ngày đăng: 01/11/2019)
      Máy Xử Lý Chống Co Và Định Hình Vải  (Ngày đăng: 08/12/2017)
      Tiệc tất niên tiễn năm cũ 2016 đón năm mới 2017  (Ngày đăng: 23/01/2017)
      Hội chợ quốc tế ngành may _ Gian hàng 1F-13 công ty cổ phần đầu tư An Phương đã chính thức.  (Ngày đăng: 02/11/2016)
      Khai trương Showroom máy may ESSY tại Hải Dương  (Ngày đăng: 27/10/2016)
      Ngày 9/09/2016 và 10/09/2016 Công ty Cổ phần đầu tư An Phương khai trương chi nhánh Hải dương, tại số 29 đường An Định- khu 21- phường Nhị Châu- Thành Phố Hải Dương.  (Ngày đăng: 08/09/2016)
      Doanh nghiệp dệt may đang vật lộn với thị trường  (Ngày đăng: 27/07/2016)
      Doanh nghiệp dệt may khó tìm đơn hàng mới  (Ngày đăng: 13/07/2016)
      Chương trình khuyến mại đèn Led các loại từ ngày 11/07-10/08/2016. Tại Công Ty Cổ Phần Đầu Tư An Phương  (Ngày đăng: 09/07/2016)